Tốc độ biến đổi của SARS-CoV-2 quá nhanh, dễ lây lan, công nghệ sản xuất mới là những lý do khiến vaccine phòng Covid-19 thường không duy trì thời gian bảo vệ quá dài.
Hiện
nay, tiêm vaccine là biện pháp ưu tiên hàng đầu trong cuộc chiến đẩy lùi đại
dịch Covid-19. Vaccine được xem như lá chắn giúp giảm nguy cơ nhiễm, lây lan
của SARS-CoV-2 và bảo vệ những người xung quanh, đặc biệt trường hợp có nguy cơ
mắc Covid-19 nặng.
Tuy
nhiên, so với những vaccine được biết đến rộng rãi trước đây như ngừa bạch hầu
- ho gà - uốn ván, sởi - quai bị - rubella, viêm gan B, bại liệt, bệnh do
HPV..., hiệu quả bảo vệ của các loại vaccine phòng Covid-19 thường duy trì
trong khoảng thời gian không quá dài vì nhiều lý do khác nhau.
Vaccine
phòng sởi - quai bị - rubella chỉ cần tiêm một mũi duy nhất, miễn dịch với bệnh
là suốt đời. Vaccine phòng thủy đậu có tác dụng trung bình 15 năm. Vaccine uốn
ván không cung cấp kháng thể suốt đời, người đã được tiêm chủng có thể phòng
bệnh trong vòng 10 năm.
Trong
khi đó, nhiều nước đang xem xét phê duyệt tiêm nhắc lại cho những người trưởng
thành vừa mới chỉ tiêm vaccine Covid-19 được 6-8 tháng.
Tốc
độ biến đổi của virus gây bệnh Covid-19 quá nhanh
SARS-CoV-2
không ngừng đột biến và tạo ra các biến chủng mới (Alpha, Beta, Delta,
Epsilon..., và gần đây nhất là Mu). Trong đó, biến chủng Delta - được CDC xếp
vào nhóm đáng lo ngại - là nguyên nhân gây ra các đợt bùng phát dịch nghiêm
trọng nhất từ trước đến nay tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Điều này
khiến việc kiểm soát dịch bệnh trở thành thách thức lớn.
Ngược
lại, nhằm đảm bảo tính an toàn và hiệu quả cao nhất, các vaccine phải trải qua
rất nhiều công đoạn từ nghiên cứu phát triển cho đến thử nghiệm lâm sàng để
được chấp thuận trước khi đưa vào sử dụng. Do đó, phiên bản vaccine hoàn thiện
cuối cùng có khả năng không thể bao phủ được tất cả đặc tính của biến chủng mới
(ví dụ virus có thể lẩn trốn khỏi đáp ứng miễn dịch của cơ thể).
Hay
nói cách khác, vaccine ngừa Covid-19 khó bắt kịp tốc độ biến đổi của virus gây
bệnh. Vì vậy, chúng khó tạo ra miễn dịch kéo dài. Một nghiên cứu đánh giá về
vaccine Pfizer-BioNTech và AstraZeneca tại Anh đăng trên tạp chí NEJM đã đưa ra
kết luận rằng hiệu quả của vaccine có thay đổi giữa các biến chủng virus. Trong
đó, hiệu quả phòng ngừa của hai vaccine Pfizer-BioNTech và AstraZeneca sau 2
liều tiêm đối với chủng Delta (hiệu quả lần lượt là 88% và 67%) đều giảm so với
chủng Alpha (hiệu quả lần lượt là 93,7% và 74,5%).
So
với SARS-CoV-2, các tác nhân gây bệnh được phòng ngừa bằng vaccine phổ biến
khác như thủy đậu, sởi, quai bị, rubella..., hầu như không đột biến nhiều. Vì
vậy, chúng giúp duy trì hiệu quả của các loại vaccine này.
Biến
chủng nCoV nhân lên nhanh và dễ lây lan
Gần
đây, các biến chủng của SARS-CoV-2 (nổi bật nhất là Delta) nhân bản nhanh hơn
nhiều so với những chủng gốc ban đầu. Theo Nature, những người nhiễm biến chủng
Delta sẽ có tải lượng virus cao gấp khoảng 1.000 lần so với trường hợp nhiễm
các chủng SARS-CoV-2 gốc. Kết hợp với tốc độ nhân lên nhanh trong cơ thể, các
biến chủng mới còn có đặc tính có thể lây lan qua đường không khí khiến bạn dễ
bị phơi nhiễm với virus.
Hơn
nữa, cơ thể con người thường có xu hướng ít tạo kháng thể tại đường hô hấp trên
- điểm đến đầu tiên trong chu trình bệnh học của SARS-CoV-2. Do đó, cơ thể
chúng ta có thể không nhận biết được "mối đe dọa" khi virus bám trên
hầu họng. Cả ba điều này khiến tải lượng virus trong cơ thể dễ dàng tăng lên
nhanh chóng và vượt quá khả năng trung hòa của kháng thể được tạo ra bởi các
vaccine ngừa Covid-19. Điều này khiến hiệu quả bảo vệ của vaccine khó kéo dài.
Trong
khi đó, con đường lây nhiễm của các vi khuẩn và virus được phòng ngừa bằng
vaccine trước đây hầu như đều khó khăn hơn so với nCoV. Điển hình như virus
viêm gan B lây qua đường máu, đường tình dục, từ mẹ sang con; virus HPV lây
truyền qua đường tình dục; virus bại liệt lây lan thông qua tiếp xúc chất thải
qua phân của người bệnh; người bệnh uốn ván thường là do tiếp xúc bụi, đất, vật
dụng rỉ sét tại các vết thương hở... Vì vậy, khả năng mắc phải virus gây những
bệnh này thấp hơn so với virus gây Covid-19. Chính đặc tính đó đã góp phần gián
tiếp kéo dài hiệu quả phòng ngừa của các vaccine này.
Công
nghệ sản xuất vaccine mới
Trong
quá khứ, các vaccine hiệu quả nhất là dùng công nghệ vector virus nhân bản
(replicating virus), ví dụ ngừa sởi, thủy đậu. Các vaccine này có thể tạo ra
đáp ứng miễn dịch kéo dài suốt đời. Một số loại vaccine khác dùng công nghệ
vector virus không nhân bản (non-replicating virus) hoặc dựa trên protein tuy
có hiệu quả không kéo dài, nhưng chúng thường được bổ sung các chất bổ trợ
(adjuvant) để tăng cường đáp ứng miễn dịch (ví dụ vaccine ngừa uốn ván, viêm
gan A).
Trong
khi đó, 2 loại vaccine có hiệu quả cao nhất hiện nay là Pfizer-BioNTech và
Moderna sử dụng công nghệ công nghệ mới hoàn toàn là mRNA, không cần dùng đến
adjuvant. Bên cạnh đó, vaccine AstraZeneca tuy cũng dựa trên công nghệ vector
virus không nhân bản nhưng cũng không dùng đến adjuvant.
Bài
viết do TS.DS Phạm Đức Hùng, Bệnh viện Nhi Cincinnati, Mỹ, DS. Nguyễn Ngọc Thùy
Trâm (Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP.HCM) và DS. Nguyễn Hồng Trâm (Tốt nghiệp Đại
học Y Dược TP.HCM), cung cấp thông tin.
Đăng nhận xét