Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị đạo đức, lối sống trong đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng, Nhà nước ta đã và đang diễn ra mạnh mẽ, quyết liệt trên tất cả các lĩnh vực và không có vùng cấm, không có ngoại lệ; nhận được sự quan tâm, ủng hộ và hưởng ứng của đông đảo cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân, tạo dựng được niềm tin trong Nhân dân. Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, lợi dụng một số vụ việc liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước ta; trên một số trang mạng như RFI, BBC, VOA… đã tán phát rất nhiều bài mang tính chất kích động và xuyên tạc chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước ta về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Những thủ đoạn đó không thể nào phủ nhận được sự thật là: công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng ta và Nhà nước ta đã và đang ngày càng mạnh mẽ, quyết liệt, đạt được nhiều kết quả quan trọng và trở thành một xu thế không thể đảo ngược.

Thực tiễn cho thấy, theo báo cáo tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng tiêu cực, giai đoạn 2012-2022, cấp ủy, Uỷ ban kiểm tra các cấp trong cả nước đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức Đảng và gần 168.000 đảng viên; trong đó, có 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng. Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý. Qua công tác thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị xử lý trách nhiệm gần 44.700 tập thể, cá nhân sai phạm; kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hơn 975 nghìn tỷ đồng, gần 76 nghìn ha đất; chuyển cơ quan điều tra gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu tội phạm để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.  

Năm 2023, Tổng Thanh tra Chính phủ cũng cho biết, đã có 55 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng; 13 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu bị xử lý hình sự do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng; 42 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng (trong đó khiển trách: 16 người; cảnh cáo: 13 người; cách chức: 13 người).

Những kết quả đạt được trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta cho thấy sự quyết tâm và quan điểm nhất quán của Đảng ta: “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, không bao che, bất kể người đó là ai.

Để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong cuộc chiến chống tham nhũng trên phạm vi cả nước, Hội nghị Trung ương 5 Khóa XIII diễn ra vào tháng 5/2022 đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở 63 tỉnh, thành phố. Sự ra đời của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã tạo sự đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, cơ sở trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Kết quả bước đầu trong hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã khẳng định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh là phù hợp với yêu cầu thực tiễn, được cán bộ, đảng viên, Nhân dân đồng tình, ủng hộ; đồng thời khẳng định quyết tâm của Đảng ta là đấu tranh không khoan nhượng với tội phạm tham nhũng, tiêu cực.

Những luận điệu cho rằng công cuộc phòng chống tham nhũng ở Việt Nam chỉ là “cuộc chiến thanh trừng phe phái” là hoàn toàn sai trái, xuyên tạc. Cuộc chiến chống tham nhũng chắc chắn sẽ còn nhiều cam go phía trước, và hành vi tham nhũng, tiêu cực trong một bộ phận cán bộ, đảng viên vẫn còn tồn tại, là thực tế khách quan không thể phủ nhận. Tuy nhiên, với nỗ lực, quyết tâm của Đảng, Nhà nước, tình trạng tham nhũng, tiêu cực sẽ từng bước được ngăn chặn, đẩy lùi, tạo sự ổn định để đất nước phát triển vững mạnh hơn./.

Đăng nhận xét

 
Top