Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ “Ý dân là ý trời. Làm đúng ý nguyện của dân thì ắt thành. Làm trái ý nguyện của dân thì ắt bại”. Tôn trọng nhân dân trong tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh là đề cao ý dân, sức dân, bởi “dễ mười lần không dân cũng chịu. Khó trăm lần dân liệu cũng xong”.



Người yêu cầu cán bộ, đảng viên phải hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, yêu kính nhân dân, thật sự tôn trọng nhân dân. Người nói: “Mỗi người đảng viên, mỗi người cán bộ từ trên xuống dưới đều phải hiểu rằng: Mình vào Đảng để làm đày tớ cho nhân dân”. Người nhấn mạnh: Làm đày tớ nhân dân chứ không phải làm “quan” nhân dân, không ra lệnh, ra oai, không làm quan cách mạng.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) đã chỉ rõ: “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo”; “Nhà nước phục vụ nhân dân, gắn bó mật thiết với nhân dân, thực hiện đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân”.

Bản chất tốt đẹp của chế độ dân chủ nước ta thể hiện ở chỗ tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, được bảo đảm bằng Hiến pháp và pháp luật. Mọi quyền lợi của nhân dân đều được tôn trọng, bảo đảm, nhân dân có quyền đề đạt nguyện vọng, đóng góp ý kiến của mình cho Đảng và Nhà nước.

Quan điểm của Đảng ta: “Tôn trọng và lắng nghe ý kiến của nhân dân” hoàn toàn xa lạ với những biểu hiện “nói mà không làm”, “nói không đi đôi với làm”, “nói một đằng, làm một nẻo”... đặc biệt là việc đùn đẩy trách nhiệm giữa các cấp, các bộ phận dẫn đến nguyện vọng của nhân dân chậm hoặc không được giải quyết kịp thời. Đây chính là biểu hiện về sự thiếu “tôn trọng và lắng nghe ý kiến của nhân dân”, là sự vi phạm quyền làm chủ của nhân dân, làm ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.

Vì vậy, quan điểm đúng đắn của Đảng: “Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân” cần phải tiếp tục được nhận thức đúng và quán triệt sâu sắc trong việc xây dựng và thực thi dân chủ ở tất cả các cấp hiện nay. Đồng thời, cần phải có cơ chế cụ thể để nhân dân thực hiện quyền làm chủ trực tiếp và quyền làm chủ thông qua các cơ quan đại diện của mình, phát huy dân chủ đi liền với tăng cường pháp chế, đề cao trách nhiệm công dân, giữ vững kỷ luật, kỷ cương xã hội./.

 

Đăng nhận xét

 
Top