Khu di tích Bạch Đằng Giang nằm trong quần thể danh thắng Tràng Kênh, cách trung tâm thành phố Hải Phòng khoảng 20km. Bước qua cổng chính, du khách sẽ bắt gặp một trụ đá cao chừng 5m, phía trước có 7 chữ "Giang san vượng khí Bạch Đằng thâu” (có nghĩa là: Khí thiêng sông núi đọng lại ở chốn Bạch Đằng); ba mặt còn lại khắc công lao và thần tích của vua Ngô Quyền, vua Lê Đại Hành và Đại vương Trần Hưng Đạo. Tiếp tục đi sâu vào trong, qua các dãy bonsai và cây cổ thụ là đến ngôi đền đầu tiên trong di tích - Tràng Kênh Vọng Đế, thờ vua Lê Đại Hành, tiếp theo là Linh từ Tràng Kênh thờ Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, người tạo nên chiến thắng Bạch Đằng năm 1288, rồi đến Đền Bạch Đằng Giang thờ Ngô Quyền, đánh thắng quân Nam Hán năm 938. Ngôi đền cuối cùng trong tứ linh từ của di tích là đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đặc
biệt, điểm nhấn thu hút du khách tại Khu di tích này chính là 3 pho tượng đồng
tạc vua Ngô Quyền, vua Lê Đại Hành và đại vương Trần Hưng Đạo được đặt tại
quảng trường nổi, hướng ra sông Bạch Đằng. Ba vị anh hùng được tạc với thần
thái sống động, mỗi vị mang một sắc thái riêng. Ở giữa là tượng Đức vương Ngô
Quyền, chân đạp sóng giữ, tay chỉ thẳng xuống dòng sông Bạch Đằng, nơi vùi xác
quân thù. Tượng Đức Hoàng đế Lê Đại Hành được khắc họa với hình ảnh áo bào tung
bay trong gió, tay nắm chặt đốc kiếm, mắt rực sáng ý chí chiến đấu quyết đánh
bại quân thù. Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn khoan thai, tay phải giữ "Binh
thư yếu lược" Bình Nguyên, tay trái nắm chắc chuôi gươm, dáng hiên ngang,
anh dũng... Cả 3 vị anh hùng dân tộc đứng trên bệ đá, cùng dõi ánh nhìn ra phía
xa là những bãi cọc mô phỏng chiến thắng trên sông Bạch Đằng thuở trước…
Được
biết, Khu di tích này vốn là một ngôi miếu cổ thờ vong linh các tử sĩ chiến
đấu, hy sinh trên dòng sông Bạch Đằng. Để tưởng nhớ các vị anh hùng dân tộc lập
nên những chiến thắng vang dội trên dòng sông lịch sử, người dân và nhiều nhà
hảo tâm đã chung tay góp sức xây dựng khu di tích Bạch Đằng Giang - một quần
thể kiến trúc quy mô bề thế, khang trang như hiện nay.
Đến
với Khu di tích Bạch Đằng Giang, bên cạnh những hiện vật lịch sử, du khách thập
phương còn không khỏi ấn tượng bởi cách tổ chức các hoạt động của Ban Quản lý
khu di tích. Trong khi nhiều điểm du lịch, khu di tích thường xuyên có hiện
tượng hàng rong, buôn thần bán thánh thì Khu di tích này nổi lên như một điểm
sáng về công tác quản lý với tiêu chí "3 không": Không phí dịch vụ,
không hàng quán và không rác thải. “Tôi đã đến rất nhiều điểm du lịch, các khu
di tích nhưng ở đây, tôi và mọi người rất ấn tượng với hình ảnh hàng dài người
xếp hàng trật tự để được ghi số và nhận vé gửi xe miễn phí. Có lẽ vì vậy, khi
đến đây mỗi chúng ta sẽ thực sự cảm nhận được sự thanh tịnh, trang nghiêm cần
có ở những nơi di tích như này”, anh Phạm Minh Hà, du khách đến từ tỉnh Hòa
Bình vui vẻ chia sẻ cảm xúc khi lần đầu đến tham quan Khu di tích Bạch Đằng
Giang.
Theo
đồng chí Lê Văn Thành, Bí thư Thành ủy Hải Phòng, trong lịch sử dựng nước và
giữ nước của dân tộc ta, vùng đất Hải Phòng và dòng sông Bạch Đằng luôn giữ vai
trò trọng yếu trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc. Trên
dòng sông Bạch Đằng vào các năm 938, 981, 1288, dưới sự lãnh đạo của ba vị anh
hùng dân tộc là Ngô Quyền, Lê Hoàn, Trần Hưng Đạo, với nền nghệ thuật quân sự
độc đáo, nhất là chiến thuật trận địa cọc dưới lòng sông, nhân dân ta đã làm
nên những chiến thắng vĩ đại, đập tan nhiều cuộc xâm lược của các thế lực ngoại
bang. Những dấu tích phong phú về 3 trận quyết chiến chiến lược đó đến nay vẫn
còn được lưu giữ gần như nguyên vẹn trên khắp địa bàn thành phố Hải Phòng, đặc
biệt là ở khu vực huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng. Trong tâm thức của
mọi người, sông Bạch Đằng là dòng sông huyền thoại, linh thiêng, là mạch nguồn
sức mạnh kỳ diệu của dân tộc.
Ghi
nhận những giá trị to lớn nói trên, đầu năm 2021 Khu di tích Bạch Đằng Giang đã
vinh dự được nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia. Sự kiện này minh
chứng cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của thành phố Hải Phòng trong việc bảo
tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa của Khu di tích. Được biết,
theo kế hoạch, thành phố Hải Phòng sẽ cùng các chuyên gia, cơ quan chuyên môn
tiếp tục nghiên cứu, từng bước bổ sung giá trị hướng tới trình đề nghị UNESCO
công nhận quần thể di tích chiến thắng trên sông Bạch Đằng là Di sản văn hóa
thế giới.
Gắn
liền với những chiến tích oai hùng trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của
dân tộc ta, Khu di tích Bạch Đằng Giang thực sự là địa chỉ đỏ để giáo dục về
truyền thống lịch sử văn hóa, truyền thống yêu nước và đấu tranh giải phóng dân
tộc hào hùng của các thế hệ cha ông. Từ đó, giúp mỗi chúng ta hôm nay không
ngừng nâng cao ý thức tự hào, tích cực tham gia trong sự nghiệp xây dựng và bảo
vệ Tổ quốc, xứng đáng với truyền thống vẻ vang của dân tộc Việt Nam anh hùng./.
Đăng nhận xét