Giới phân tích cho rằng, việc Trung Quốc cho tàu thuyền neo đậu tại Đá Ba Đầu tương tự như chiến thuật nước này đã áp dụng với bãi cạn Scarborough.
1. Hàng
loạt quốc gia bày tỏ lo ngại
Australia
và Nhật Bản vừa lên tiếng bày tỏ quan ngại về “những hành động gây bất ổn” có
thể làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông sau khi sau khi Philippines cho biết,
nước này phát hiện hơn 200 tàu – được cho là tàu do dân quân Trung Quốc điều
khiển tập kết tại Đá Ba Đầu (còn gọi là bãi san hô nông Whitsun).
Đá
Ba Đầu là một rạn san hô hình chữ V có tổng diện tích khoảng 10km2, chỉ nổi lên
khỏi mặt nước khi triều xuống thấp. Bãi Ba Đầu nằm trên cụm đảo Sinh Tồn trên
quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Philippines gọi bãi này là
Julian Felipe. Ba Đầu nằm cách thị trấn Bataraza ở tỉnh Palawan, miền Tây
Philippines, khoảng 324km về phía Tây.
Australia
hôm qua (24/3) cho biết, nước này lấy làm lo ngại về việc Trung Quốc thực hiện
động thái như vậy trên tuyến đường biển quốc tế, đồng thời khẳng định tất cả
các quốc gia cần phải tôn trọng pháp quyền. Trong tuyên bố trên trang Twitter,
Đại sứ Australia tại Philippines Steven Robinson nhấn mạnh: “Chúng tôi rất lo
ngại về những hành động gây bất ổn có thể làm leo thang căng thẳng trong khu
vực”.
Ông
Steven Robinson cho biết thêm: “Australia ủng hộ một khu vực Ấn Độ Dương-Thái
Bình Dương tự do và rộng mở. Biển Đông – tuyến đường biển quốc tế quan trọng
cần phải được quản lý bởi các quy tắc và chuẩn mực quốc tế, đặc biệt là Công
ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982”.
Tuyên
bố của Australia được đưa ra một ngày sau khi Mỹ và Nhật Bản lên tiếng về vấn
đề này. “Các vấn đề về Biển Đông liên quan trực tiếp đến hòa bình, ổn định và
là mối quan tâm của tất cả các bên. Nhật Bản phản đối mạnh mẽ bất cứ hành động
nào làm gia tăng căng thẳng. Chúng tôi ủng hộ việc thực thi pháp quyền ở Biển
Đông và phối hợp với cộng đồng quốc tế để bảo vệ các vùng biển tự do, rộng mở
và hòa bình”, Đại sứ Nhật Bản tại Philippines Koshikawa Kazuhio thông báo trên
trang Twitter ngày 23/3.
Trước
đó cùng ngày, Đại sứ quán Mỹ tại Philipines đã chia sẻ mối quan ngại của
Philippines, ủng hộ nước đồng minh trong cuộc đối đầu mới nhất với Bắc Kinh.
“Chúng
tôi chia sẻ quan ngoại với đồng minh Philippines về sự xuất hiện của các tàu
dân quân biển Trung Quốc gần Đá Ba Đầu .Chúng tôi kêu gọi Bắc Kinh chấm dứt
việc sử dụng lực lượng dân quân biển nhằm khiêu khích và đe dọa các quốc gia
khác, gây tổn hại hòa bình và an ninh trong khu vực", người phát ngôn Bộ
Ngoại giao Mỹ Ned Price nêu rõ.
2. Ý
đồ thực sự của Trung Quốc
Giới
phân tích cho rằng, việc Trung Quốc cho tàu thuyền neo đậu tại Đá Ba Đầu tương
tự như chiến thuật mà nước này đã áp dụng với bãi cạn Scarborough, nhằm mục
đích kiểm soát hoàn toàn nơi này và vùng nước xung quanh, tạo ra một sự hiện
diện thường trực và liên tục. Dù có diện tích nhỏ, nhưng Ba Đầu lại có vị trí
chiến lược trên Biển Đông. Đây có thể coi là một cơ sở lý tưởng để giám sát và
theo dõi các hoạt động hàng hải.
Theo
Foreign Policy, thời gian gần đây, Trung Quốc đang gia tăng hoạt động gần Đá Ba
Đầu, với việc điều động số lượng tàu lớn hơn và ở lại trong thời gian lâu hơn.
Vượt xa những gì được cho là để phục vụ mục đích giám sát, động thái của Trung
Quốc nhằm tăng cường sự hiện diện và cưỡng ép các quốc gia có chủ quyền ở Biển
Đông phải theo phương pháp tiếp cận dựa trên chính sách gây hấn của Bắc Kinh.
“Chiến
lược của Trung Quốc tại Đá Ba Đầu với việc neo đậu tàu thuyền liên tục có thể
là một phiên bản của “mô hình bãi cạn Scarborough”, theo đó, Trung Quốc muốn
nắm quyền kiểm soát các thực thể trên biển bằng cách cho thấy sự hiện diện liên
tục và thiết lập biện pháp răn đe đối với những tàu thuyền không phải của nước
này”, chuyên gia Batongbacal thuộc Viện nghiên cứu Luật biển và các vấn đề hàng
hải thuộc Đại học Philippines cho biết.
Việc
sử dụng dân quân biển như lực lượng tiên phong trong chiến thuật "cắt lát
salami” của Trung Quốc ở Biển Đông không phải là điều mới lạ. Tờ Inquirer của
Philippines cho rằng, bản chất của các tàu dân quân Trung Quốc khá gây tranh
cãi. Hầu hết đều núp dưới lớp vỏ là tàu đánh cá, nhưng chúng lại không thực sự
được sử dụng cho công việc này. Trung Quốc đang sử dụng lực lượng dân quân một
cách quyết liệt để thực thi các yêu sách chủ quyền phi lý của nước này, trong
khi tạo tình huống dưới ngưỡng xung đột. Về mặt hình thức, dân quân biển là một
phần của lực lượng vũ trang Trung Quốc.
Dữ
liệu của AIS cho thấy trong những năm qua, Trung Quốc đã triển khai luân phiên
các tàu dân quân biển đến những thực thể hay tiền đồn mà nước này chiếm đóng và
xây dựng trái phép trên Biển Đông. Những con tàu này thường được trang bị “vũ
khí hạng nhẹ”, có kích thước lớn hơn và mạnh hơn nhiều so với tàu cá thông
thường.
Andrew
S.Erickson, chuyên gia tại Đại học chiến tranh hàng hải của Mỹ cho rằng, trong
trường hợp đụng độ xảy ra, những con tàu này có thể tấn công tàu dân sự hoặc
tàu cảnh sát biển của nước khác. Ngược lại, đối với các tàu nước ngoài có năng
lực mạnh mẽ, chúng sẽ trở thành “vũ khí của kẻ yếu”, tức là lấy tình trạng dân
sự làm lá chắn buộc phía bên kia phải chịu hậu quả về mặt ngoại giao hoặc phục
vụ cho mục đích tuyên truyền.
Đây
không phải là lần đầu tiên Trung Quốc neo đậu nhiều tàu thuyền xung quanh Đá Ba
Đầu. Trên thực tế, giới quan sát đã nhận ra sự xuất hiện của các tàu Trung Quốc
xung quanh Đá Ba Đầu vào tháng 3/2020.
“Song
lần này, các bức ảnh cho thấy Trung Quốc không chỉ đơn thuần đi qua mà còn sử
dụng Đá Ba Đầu làm nơi neo đậu tương tự như cách họ tập trung tàu thuyền tại
các căn cứ xây dựng trái phép trên Đá Subi (Subi Reef), Đá Vành Khăn (Mischief
Reef)”, chuyên gia Batongbacal nói.
Cựu
phó chánh án Tòa án tối cao Philippines Antonio Carpio cảnh báo, việc nhiều tàu
Trung Quốc xuất hiện ở Đá Ba Đầu có thể là hành động mở đầu việc chiếm đóng. “Chúng
ta nên rất cảnh giác về những gì đang diễn ra ở Đá Ba Đầu” – ông nhắc nhở.
Bộ
trưởng quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana gọi đây là "hành động khiêu
khích quân sự hóa khu vực", đồng thời yêu cầu Trung Quốc cho các tàu do
lực lượng dân quân điều khiển rời khỏi đá Ba Đầu. Trước đó, Philippines đã gửi
công hàm phản đối tới Trung Quốc.
Bộ
Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch
sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa
và quần đảo Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế. Mọi hoạt động của nước
ngoài liên quan đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam mà không
được phép của Việt Nam đều là vi phạm chủ quyền của Việt Nam và không có giá
trị pháp lý./.
Đăng nhận xét