Hiện, nước ta có 70 triệu người sử dụng Internet với 154 triệu thiết bị kết nối Internet. Cơ sở hạ tầng số phát triển nhanh với 68 triệu tài khoản mạng xã hội. Bối cảnh này đặt ra khó khăn, thách thức lớn trong công tác đảm bảo an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội.
Theo Bộ Công an, tội
phạm trên không gian mạng thời gian qua diễn biến phức tạp, với phương thức thủ
đoạn tinh vi. Các đối tượng xấu đang triệt để lợi dụng tính lan tỏa nhanh, tính
ẩn danh, xuyên biên giới của các nền tảng mạng xã hội để phát tán thông tin xấu
độc, chống phá Đảng, Nhà nước; phát tán tin giả, tin sai sự thật, tác động đến
tư tưởng người dân...
Từ năm 2021 đến nay,
các cơ quan chức năng đã phối hợp xử lý hơn 2,4 triệu tin, bài có nội dung vi
phạm pháp luật; phát hiện, ngăn chặn 8 triệu cảnh báo liên quan đến hoạt động
tấn công mạng, 2.763 cuộc tấn công mạng nhằm vào các trang cổng thông tin điện
tử trong nước.
Bên cạnh đó, tình
trạng xâm nhập trái phép, mua bán thông tin dữ liệu của các tổ chức, cá nhân
trên các mạng xã hội diễn biến phức tạp với hàng trăm hệ thống website chuyên
thu thập dữ liệu cá nhân trái phép, chiếm đoạt, sử dụng trái phép gần 1.400GB
dữ liệu cá nhân... gây thiệt hại lớn về kinh tế cho Nhà nước và nhân dân.
Những năm qua, Đảng,
Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật nhằm thúc đẩy ứng dụng công
nghệ thông tin vào phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời bảo đảm an ninh mạng.
Trong đó, nổi bật là Luật An ninh mạng có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019.
Tuy nhiên, sau 3 năm
thực thi, một số hành vi vi phạm về an ninh mạng chưa quy định cụ thể hóa trong
luật và tản mát trong các văn bản xử phạt hành chính ở nhiều lĩnh vực nên hiệu
lực thi hành Luật An ninh mạng chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
Đặc biệt, các quy định xử phạt một số hành vi như xâm phạm dữ liệu an ninh
mạng, phán tán những thông tin sai sự thật, thông tin giả, lừa gạt nhằm trục
lợi... thiếu sức răn đe, phòng ngừa.
Do đó, việc Bộ Công an
chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng Nghị định xử phạt vi
phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng được dư luận đồng thuận về tính cấp
thiết.
Theo các chuyên gia
pháp luật, hiện nay, trong lĩnh vực an ninh mạng có 2 hình thức xử phạt chính
là cảnh cáo và phạt tiền. Tuy nhiên, đặc thù của an ninh mạng cần áp dụng thêm
một số hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả phù hợp, như:
tước quyền sử dụng giấy phép, giấy chứng nhận chứng chỉ hành nghề hoặc đình chỉ
hoạt động có thời hạn; buộc khôi phục, buộc gỡ bỏ, buộc đính chính, buộc xin
lỗi...
Thế nên, việc dự thảo
Nghị định quy định hình phạt bổ sung như việc hạn chế sử dụng, cung cấp các
dịch vụ; tăng mức xử phạt hành chính với các tin giả, sai sự thật; nâng mức xử
phạt lên tới 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với các tổ
chức vi phạm... không chỉ nâng cao tính răn đe mà còn góp phần ngăn chặn hành
vi vi phạm, loại trừ khả năng phạm tội mới.
Các chuyên gia an ninh
mạng cảnh báo, trong thời gian tới, tình hình an ninh mạng sẽ tiếp tục có nhiều
diễn biến phức tạp, không gian mạng tiếp tục là mục tiêu của các cuộc tấn công,
là môi trường chủ yếu để tiến hành các hoạt động gián điệp, khủng bố, phá hoại,
thực hiện các hành vi phạm tội, đăng tải, phát tán thông tin xấu độc, sai sự
thật...
Do vậy, việc hoàn
thiện cơ sở pháp lý về Luật An ninh mạng sẽ nhằm phòng ngừa, đối phó, hạn chế
tác động tiêu cực đối với an ninh đất nước từ không gian mạng. Bên cạnh thông
qua Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng, Nhà nước
cần sớm sửa đổi, bổ sung các dự thảo Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, đồng
bộ các quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng để việc
thực thi Luật An ninh mạng trên thực tế ngày càng hiệu quả./.
Đăng nhận xét