Những ngày qua, hình ảnh cuộc xung đột vũ trang ở Myanmar và cuộc biểu tình, bạo loạn tại Bangladesh, Venezuela được đưa rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội. Bên cạnh những lo ngại về hậu quả ảnh hưởng nặng nề đến đời sống của người dân do cuộc xung đột vũ trang và những gì đang diễn ra ở các quốc gia nói trên thì trên không gian mạng, các thế lực thù địch và các tổ chức, phần tử phản động lưu vong đã triệt để lợi dụng vấn đề này để tung tin xuyên tạc, sai sự thật, tiến tới kích động những người thiếu hiểu biết nhằm thực hiện âm mưu “cách mạng màu” tại Việt Nam.
Tình hình biểu tình phức tạp tại Bangladesh
❗️Nhận diện âm mưu kích động “cách mạng màu”
Cách mạng màu (tiếng Anh là colour revolution) là thuật ngữ chỉ các cuộc bạo lực chính trị có tổ chức, chính biến phi vũ trang ở quốc gia có chủ quyền nhằm lật đổ nhà nước đương nhiệm, gây ra khủng hoảng chính trị bằng phương thức bất bạo động, có sự kết hợp giữa những kẻ chủ mưu trong nước và thế lực bên ngoài, thông qua cái gọi là “giương cao ngọn cờ dân chủ”, lôi kéo người dân tuần hành, biểu tình, bạo loạn lật đổ.
Ở một số nơi diễn ra “cách mạng màu”, chính phủ thân Mỹ và phương Tây được hứa hẹn mang đến những điều tốt đẹp nhất cho người dân nhưng thực chất là sự bất ổn, bạo động mất kiểm soát; đời sống người dân rơi vào tình thế ly tán, chết chóc…
Hiện nay, đối tượng của “cách mạng màu” hết sức đa dạng. Nếu như trước đây, đối tượng nhắm đến là các quốc gia theo chế độ XHCN thì hiện nay “cách mạng màu” còn diễn ra ở các nước có chế độ đa nguyên, đa đảng với mục tiêu phá hoại nền độc lập của các quốc gia, lập ra đảng phái chính trị đi theo quỹ đạo do Mỹ và phương Tây định đoạt. Từ việc thay đổi đối tượng nên trong những năm cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI, thế giới chứng kiến hàng loạt cuộc “cách mạng màu” nổ ra ở các nước có thể chế chính trị đa nguyên, đa đảng thuộc Trung Đông và Bắc Phi hay khu vực Đông Âu là Gruzia, Ukaraine… dẫn đến các quốc gia đó rơi vào tình trạng bất ổn chính trị và hệ quả của nó vẫn kéo dài đến tận bây giờ.
Thời gian qua, thông tin, hình ảnh về biểu tình, bạo loạn tại Venezuela, Bangladesh và đặc biệt là Myanmar, từ biểu tình chống chính phủ sang xung đột vũ trang và sắc tộc tràn lan trên không gian mạng thông qua các nền tảng như Facebook, Telegram, Youtube… Bên cạnh đó, các thế lực thù địch, các tổ chức phản động lưu vong, các đối tượng chống đối đã triệt để lợi dụng những vụ việc trên để tiến hành các hoạt động xuyên tạc thông tin và hướng lái dư luận theo mục đích khác. Thông qua các hình thức bình luận chuyên đề, hội luận, họ lồng ghép ý đồ xuyên tạc, bịa đặt, bóp méo lịch sử, bôi nhọ lãnh tụ dân tộc và vai trò lãnh đạo của Đảng, tiến tới kích động bạo loạn, biểu tình tại Việt Nam. Các trang như Việt Tân hay Chân trời mới Media thì tung hứng kiểu “Liệu Việt Nam có giống như Venezuela”; “chúc mừng người dân Bangladesh thay đổi chế độ độc tài, bao giờ tới Việt Nam”…
Qua những cuộc biểu tình, bạo loạn, xung đột vũ trang theo hướng “cách mạng màu” nói trên, chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng, chính không gian mạng là một trong những phương tiện truyền thông quan trọng được các thế lực thù địch và các đối tượng chống đối triệt để lợi dụng nhằm tung tin xuyên tạc, kêu gọi, tổ chức tập hợp người dân, ban đầu là theo các phong trào đường phố, tiến tới đi đến bạo loạn, tấn công lực lượng cảnh sát, quân đội, gây tê liệt, sụp đổ chính quyền. Từ đó, các thế lực thù địch dựng lên những chính quyền tay sai không có quyền lực thực tế hoặc đất nước bị xâu xé bởi những phe phái chính trị, vũ trang sắc tộc, tôn giáo…
Còn tại Việt Nam, từ lâu các thế lực thù địch cũng đã triệt để lợi dụng không gian mạng nhằm thực hiện âm mưu “cách mạng màu” và đã gây ra một số vụ việc phức tạp, gây rối an ninh, trật tự. Điều dễ nhận thấy là các hoạt động của các thế lực thù địch, các tổ chức phản động lưu vong và đối tượng chống đối đều thể hiện có mục tiêu tôn chỉ được tổ chức khá chặt chẽ, bài bản.
Lợi dụng những vấn đề nóng trong đời sống xã hội như ô nhiễm môi trường, khiếu kiện đất đai, chủ quyền biển đảo, các đối tượng đưa ra các thông tin sai trái, xuyên tạc “chính quyền đàn áp dân”, từ đó kêu gọi tụ tập gây rối, biểu tình, bạo loạn, đập phá trụ sở, tài sản, tấn công cảnh sát, thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, phá hoại sự ổn định phát triển đất nước. Hầu hết các tổ chức phản động đều xây dựng tài khoản mạng xã hội tổ chức thành hệ thống các kênh truyền thông, chỉ đạo chặt chẽ từ bên ngoài thông qua các phần tử chống phá bên trong.
Với những hoạt động chống phá thời gian qua của các thế lực thù địch, các tổ chức phản động lưu vong và đối tượng chống đối có thể nhận thấy các chiêu trò, thủ đoạn như: Xuyên tạc phá hoại nền tảng tư tưởng, xuyên tạc đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước; gây mâu thuẫn nội bộ, công kích, bôi nhọ và hạ uy tín các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước; thông qua truyền thông mạng xã hội để kêu gọi, kích động biểu tình, gây mất an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Chỉ trích Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền, tự do Internet, khuyến khích các đối tượng trong nước sử dụng không gian mạng để tiến hành các hoạt động chống phá quyết liệt hơn bằng cách trao các giải thưởng, đề cử vinh danh hay đưa Việt Nam vào danh sách “kẻ thù của Internet”, vi phạm tự do dân chủ, nhân quyền. Bên cạnh đó, các tổ chức phản động lợi dụng không gian mạng để tiến hành các hoạt động gián điệp, thu thập tin tức chống Việt Nam thông qua việc tung ra những phần mềm chứa các mã độc, phần mềm gián điệp được cài sẵn, các ứng dụng miễn phí trên điện thoại. Chúng sử dụng kỹ thuật hiện đại, lợi dụng lỗ hổng bảo mật để xâm nhập chiếm đoạt bí mật nhà nước, lấy cắp thông tin nội bộ, các phát minh, sáng chế nhằm gây thiệt hại cho kinh tế nước ta.
Đối tượng mà các thế lực thù địch, các tổ chức phản động lưu vong nhắm đến là số đối tượng chống đối trong nước, những người có định kiến với Đảng, Nhà nước, có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đồng thời, các tổ chức phản động tuyên truyền, lôi kéo người dân tham gia vào các hội nhóm do chúng lập ra; thâm nhập vào các diễn đàn, mạng xã hội, nhất là đối với giới trẻ để phát hiện, tập hợp lực lượng, xây dựng ngọn cờ, tiến tới hình thành và công khai hóa tổ chức núp dưới danh nghĩa các tổ chức xã hội dân sự hay tổ chức phản biện xã hội.
Nâng cao cảnh giác, nhất là đối với giới trẻ, góp phần phòng ngừa, vô hiệu hoá âm mưu thực hiện “cách mạng màu”
Có thể nhận thấy, những nước xảy ra “cách mạng màu” thì đa phần các cuộc “cách mạng” đó đều thất bại, thậm chí nhiều quốc gia vẫn chìm trong xung đột kéo dài. Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến là sự nổi dậy của người dân không được dẫn dắt và lãnh đạo bởi một đảng phái chính trị chân chính vì đất nước, dân tộc và vì tự do, hạnh phúc của người dân.
Với các hình thức bạo loạn lật đổ mang tính manh động, thiếu kiểm soát thì những mâu thuẫn về dân tộc và tôn giáo càng bị khoét sâu, trầm trọng hơn. Bên cạnh đó, sự can dự từ bên ngoài của các nước lớn với những mưu đồ chính trị riêng, điều mà tầng lớp dân nghèo và người lao động khó có thể tiếp cận để hiểu rõ đã làm méo mó, biến dạng các mục tiêu ban đầu của các cuộc nổi dậy. Truyền thông và mạng xã hội cũng được cho là một tác nhân tiêu cực cả trước, trong và sau các vụ bạo loạn, lật đổ, khiến tình hình ngày càng trở nên mất kiểm soát, ngoài mong muốn của phần đa những người từng tham gia biểu tình, bạo loạn, lật đổ trước đây.
Thời gian qua, một số tổ chức phản động thường đội lốt “dân chủ”, “nhân quyền”, “xã hội dân sự” để kêu gọi, cấu kết lực lượng thực hiện ý đồ chống phá Đảng, Nhà nước. Hành vi của chúng đã gây tác động tiêu cực đến đời sống chính trị, xã hội nước ta, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự. Các tổ chức này tìm cách móc nối, tuyển chọn một số thanh niên trong nước đưa ra nước ngoài đào tạo nhưng thực chất là để tập hợp lực lượng, kích động bạo loạn, biểu tình trong nước, gây dựng các tổ chức chính trị đối lập.
Vì vậy, cần xây dựng và phát huy vai trò của thông tin chính thống trên các nền tảng truyền thống và hướng tới phát triển thông tin chính thống trên không gian mạng, qua đó cung cấp thông tin chính thống kịp thời và chính xác, tránh tạo khoảng trống thông tin để các đối tượng phản động lợi dụng phát tán các thông tin xuyên tạc. Từ đó tạo ra không gian an toàn cho quần chúng nhân dân được tiếp cận với thông tin chính thống để “miễn nhiễm” thông tin xuyên tạc, sai sự thật, kích động từ các tổ chức và đối tượng chống đối.
Tăng cường công tác vận động quần chúng, nhất là vận động đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào tôn giáo, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân. Tập trung phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao trình độ dân trí, đảm bảo đời sống cho nhân dân, từ đó người dân yên tâm lao động, đời sống nâng cao thì không dễ để nghe theo các đối tượng kích động, lôi kéo. Bên cạnh đó, cũng cần công khai, minh bạch, xử lý và thông tin kịp thời những vụ việc phức tạp để người dân được tiếp cận tình hình, không để các thế lực thù địch lợi dụng, bịa đặt, gây hoang mang trong dư luận.
Đặc biệt, quan tâm đến công tác tuyên truyền với sinh viên, thanh niên, trí thức - đây là lực lượng chiếm tỷ lệ đông đảo trong các cuộc biểu tình của “cách mạng màu” đã xảy ra ở nhiều nước trên thế giới. Vì vậy, các tổ chức chính trị, xã hội như Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam… cần đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền, cảnh báo để thanh niên, sinh viên hiểu rõ âm mưu và bản chất của “cách mạng màu”, tránh xa các tổ chức đội lốt xã hội dân sự, các phong trào mạo danh “yêu nước” nhưng thực chất là kêu gọi tụ tập, gây rối an ninh, trật tự; cảnh giác với các khoản học bổng núp dưới danh nghĩa tổ chức phi chính phủ (NGO) hoặc các tổ chức dân sự trá hình.
Từ đó, thông qua các diễn đàn trên các mạng xã hội với nhiều hình thức phong phú để thu hút cộng đồng trẻ tham gia. Tại các diễn đàn đó, cần cung cấp thường xuyên dưới nhiều hình thức hấp dẫn như hỏi - đáp, thi tìm hiểu... về đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước, đặc biệt là thông tin về bản chất, âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch...
Hiểu bản chất của "cách mạng màu" là điều hết sức quan trọng để mỗi người Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ Việt Nam ngày hôm nay hiểu được giá trị vĩ đại của các cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và sự nghiệp đổi mới. Đó cũng là cơ sở để giới trẻ không bị mơ hồ, ảo tưởng bởi những luận thuyết kêu gọi cách mạng đường phố, phản kháng phi bạo lực, xúi giục đấu tranh đòi lật đổ chế độ mà kẻ địch rêu rao “vì tương lai tốt đẹp”!
Đăng nhận xét