Khắc phục tư tưởng "tốt khoe, xấu che"


Trong công tác cán bộ nói chung, đánh giá cán bộ lâu nay vẫn là phần việc khó đối với tất cả cấp ủy, tổ chức đảng các cấp.




Tập thể đánh giá cá nhân, rồi cá nhân đánh giá cá nhân để vừa đánh giá đúng, đánh giá khách quan, không bị nể nang, cảm tính, cũng không để bị yêu-ghét chi phối trong từng lời nhận xét, đánh giá là việc đã khó. Nhưng, để mỗi cán bộ, đảng viên tự nhìn nhận, đánh giá đúng về chính mình cũng là việc không dễ dàng.


Người xưa có câu: “Ngọc còn có vết”, “nhân vô thập toàn”, “bàn tay ngón dài, ngón ngắn”... đại ý để khuyên răn hậu thế rằng, dù là bất kỳ ai cũng có ưu điểm, khuyết điểm riêng, không ai có thể tốt đẹp một cách toàn vẹn “mười phân vẹn mười”. Ấy thế nhưng, tâm lý chung của đại đa số là “tốt đẹp khoe ra” chứ ít ai dám tự mình phô bày ra cái xấu, mặt còn chưa tốt, cái còn đang khuyết thiếu của mình. Vì còn giữ thể diện, sợ mất uy tín nên có mấy ai dám tự “vạch áo cho người xem lưng”, thậm chí còn tìm cách để che giấu khuyết điểm...


Đó là những diễn biến tâm lý hết sức bình thường của con người trong đời sống, sinh hoạt hằng ngày. Nhưng trong công tác cán bộ, nhất là khâu đánh giá, nhận xét cán bộ, biểu hiện “tốt khoe, xấu che” vẫn len lỏi trong tâm lý, hành vi của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Các căn bệnh của chủ nghĩa cá nhân như tự mãn, kiêu ngạo, công thần vẫn tồn tại, diễn biến trong tâm lý, tư tưởng của nhiều người. Không ít cán bộ, đảng viên sinh hoạt trong tập thể nhưng đặt cái tôi của mình lên trên tập thể, bởi nghĩ mình có năng lực hơn người nên nghiễm nhiên tự cho mình là “cây cao bóng cả” so với phần còn lại. Cá biệt hơn, có người còn tự đề cao bản thân, bao nhiêu thành tích của tập thể thì vơ hết vào, coi đó là công trạng của mình... Những nguyên nhân trên phần nào lý giải, ở nhiều cơ quan, tổ chức, từ năm này qua năm khác, phần việc cán bộ tự đánh giá, tự nhận xét, phần việc tự phê bình của cán bộ, đảng viên vẫn chưa thể thực chất. 


Tự đánh giá, nhận xét chính mình, hay nói cách khác là “tự soi”, đó là quá trình mỗi người tự nhận thức về bản thân để làm sao nhìn nhận thấu tỏ những điều còn đang khuyết thiếu, những mặt chưa toàn vẹn, từ đó mà “tự sửa” bản thân, để đặt mình và hòa mình trong tập thể, với quần chúng chứ không thể đặt lên trên, lên trước; nếu không sẽ thật dễ sa vào chủ nghĩa cá nhân. “Tự soi” cũng có nghĩa rằng, bản thân mỗi người phải tự chẩn đoán bệnh, tự kê đơn, bốc thuốc để “sửa” mình. Đó là cuộc đấu tranh diễn ra trong nội tâm mỗi người, là sự thử thách bản lĩnh của mỗi cán bộ, đảng viên khi đứng trước “cái tôi” trong chính mình.


Để mỗi cán bộ, đảng viên không ngừng tiến bộ, hoàn thiện bản thân, “tự soi” và “tu thân” là những việc nên làm và cần làm trước hết. 

Đăng nhận xét

 
Top