Từ nhiều năm nay, giới chống cộng đã luôn đánh đồng miền Nam Việt Nam với chính thể Việt Nam Cộng hoà, và với các mỹ từ như dân chủ, nhân quyền, văn minh, phát triển. Vì vậy, họ vẫn luôn theo đuổi một chính sách kỳ thị vùng miền bất thành văn, và truyền bá nó qua những kênh truyền thông mà họ sở hữu. Ta có thể bắt gặp thái độ này qua các post ca ngợi người miền Nam “hào sảng”, thật thà, thương người, và quy chụp người miền Bắc là tham lam, ranh mãnh…, như thường thấy trên Facebook của đảng Việt Tân.
Mới đây, lợi dụng trang Chân Trời Mới Media, nơi khơi mào cho luận điệu phân biệt vùng miền: “Tại sao miền Nam lại thu hút được nhiều người từ phía bắc vào sinh sống và lập nghiệp. Sao họ không chọn thủ đô?”, nhiều nhà chống cộng đã viết thêm một loạt các comment có nội dung kỳ thị miền Bắc như “Backe rừng rú thích vào thành”, hoặc “Miền Nam làm thịt con gà không sợ hàng xóm”…
Trong lúc thoả thuê tự sướng với các phát ngôn kiểu như vậy, dường như các nhà chống cộng đã quên hết kiến thức về lịch sử và địa lý Việt Nam. Bởi nếu có kiến thức này, họ sẽ hiểu vì sao luồng di cư từ Bắc vào Nam là hoàn toàn bình thường, và đã được duy trì ở Việt Nam trong suốt khoảng 400 năm lịch sử, ít nhất từ thời các chúa Nguyễn mở đất.
Trước hết, cần nhớ rằng dòng chuyển cư từ Bắc vào Nam là bình thường và hợp lý, khi mà miền Nam có có khí hậu ôn hòa hơn hơn miền Bắc với bốn mùa khí hậu khắc nghiệt lại phải đối mặt với bão lũ. Bên cạnh đó, miền Nam có đất đai trù phú, lại thích hợp cho việc phát triển các khu công nghiệp vì sở hữu nhiều vịnh nước sâu, có thể xây nhiều cảng biển – một yếu tố tối quan trọng với việc phát triển công nghiệp, chỉ riêng vùng Đông Nam Bộ đã có 107 bến cảng và 218 cầu cảng, đủ sức lưu thông 298,35 triệu tấn hàng vào năm 2021… Đây là yếu tố quan trọng thu hút lao động từ các vùng miền đổ về miền Nam để tìm kiếm sinh kế.
Chính phủ Việt Nam ý thức rõ các yếu tố vừa nêu, và đã quy hoạch vùng kinh tế dựa trên đó. Trong những năm gần đây, các đô thị ở miền Bắc đã được quy hoạch nhằm chia sẻ chức năng về giáo dục, đào tạo, y tế, khoa học, công nghệ, thương mại, dịch vụ, du lịch – tức là yếu tố công nghiệp không giữ vai trò trung tâm. Trong khi đó, các đô thị phía Nam được quy hoạch nhằm chia sẻ chức năng về dịch vụ, công nghiệp, giáo dục, đào tạo, y tế, khoa học, công nghệ – tức là làm trung tâm sản xuất của Việt Nam. Đặc biệt, khác với Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh được quy hoạch để trở thành “đầu mối giao thương với quốc tế”. Nếu vùng đồng bằng sông Hồng được quy hoạch để thành lập 94 khu công nghiệp với diện tích 26.000ha, thì vùng Đông Nam Bộ đã thành lập 119 KCN với diện tích 44.000ha. Trong bối cảnh như vậy, dòng chuyển cư từ miền Bắc vào miền Nam đương nhiên lớn hơn dòng chuyển cư theo hướng ngược lại. Đồng thời, thực tế cho thấy, dòng di cư lao động trên cả nước đã tạo nên một thị trường lao động sôi động và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần xây dựng và phát triển kinh tế cho các địa phương tiếp nhận lao động di cư.
Thái độ kỳ thị vùng miền của giới chống cộng cờ vàng không chỉ cho thấy họ thiếu hiểu biết về lịch sử và địa lý của đất nước. Nó còn cho thấy họ nhìn người dân Việt Nam bằng một con mắt phân biệt đối xử, hoàn toàn trái ngược với tư tưởng nhân quyền mà họ vay mượn để làm bình phong. Nó cũng cho thấy để đạt được tham vọng quyền lực của mình, họ sẵn sàng chống phá, chia rẽ tình đoàn kết dân tộc. Điều này đi ngược với chủ trương nhất quán “không phân biệt vùng miền” của Đảng và Nhà nước ta.
Đăng nhận xét