"Ngày Lễ Giáng sinh và bức tranh tự do tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam". Mặc dù không có nguồn gốc từ Việt Nam, đó là ngày lễ của những người theo Kitô giáo như Công giáo, Tin lành. Từ khi được truyền vào Việt Nam đến nay, đạo Công giáo, Tin lành đã có những ảnh hưởng tới đời sống xã hội của người dân Việt Nam.



Các ngày lễ Công giáo như Giáng sinh, Phục sinh đã góp phần làm phong phú thêm đời sống tâm linh và sinh hoạt văn hoá của người dân. Thông qua sinh hoạt văn hoá tâm linh cộng đồng, người dân là những người theo đạo hay không theo đạo có dịp hiểu và đoàn kết nhau hơn.

Đây cũng là dịp để tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, thống nhất ý chí và nguyện vọng của người dân. Tuy nhiên, các thế lực thù địch và một số tổ chức thiếu thiện chí vẫn luôn tìm mọi cách chống phá, tuyên truyền những luận điêu sai trái, cho rằng Việt Nam không có tự do tôn giáo, xuyên tạc về tình hình, đời sống tôn giáo ở nước ta hòng tạo sự hoài nghi, phá hoại khối đoàn kết tôn giáo.

- Những luận điệu sai trái.

Trong 5 năm qua (2017-2022), Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế Mỹ vẫn định kỳ ra báo cáo thường niên về tự do tôn giáo toàn cầu. Họ cho mình quyền nhận xét, đánh giá phê phán về tình hình nhân quyền và tự do tôn giáo của Việt Nam và một số quốc gia khác. Họ sử dụng thông tin tài liệu cũ hoặc không chính thống từ các nhóm, phái tôn giáo chưa được nhà nước công nhận, số chức sắc cực đoan bất mãn với chế độ, định kiến với Đảng, Nhà nước để tiếp nhận thông tin sai lệch, đưa vào báo cáo đánh giá.

Một số tổ chức tìm cách khuyến khích, cổ vũ cho các hoạt động tôn giáo trái pháp luật, không cần xin phép, đăng ký chính quyền, thúc đẩy các hoạt động “tà đạo, đạo lạ” ở các vùng sâu, vùng xa, gia tăng hoạt động mê tín dị đoan, trái thuần phong mỹ tục, trái pháp luật, đi ngược lại lợi ích của Giáo hội và xã hội, gây bức xúc trong nhân dân, với âm mưu muốn giáo dân chống đối chính quyền. Họ kích động với luận điệu đây là quyền con người “quyền tự do tín ngưỡng, quyền tự do tôn giáo”; xuyên tạc Luật về tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam, coi đó là “bước thụt lùi”, “bóp nghẹt tôn giáo” không phù hợp với công ước quốc tế về quyền con người… Họ kiến nghị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa Việt Nam trở lại những nước cần quan tâm đặc biệt về tôn giáo (CPC), “gây sức ép và hối thúc Việt Nam cho phép tất cả các nhóm, phái tôn giáo chưa được công nhận hoạt động một cách tự do; giảm can thiệp của chính quyền vào các công việc nội bộ của các nhóm tôn giáo đã được công nhận và nhấn mạnh tiến bộ về tự do tôn giáo có ý nghĩa quan trọng đối với việc cải thiện quan hệ song phương”…

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 2/12 thông báo “đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo”.

- Thực tiễn trả lời cho những cáo buộc.

Việt Nam là một quốc gia đa tôn giáo. Ở Việt Nam có những tôn giáo nội sinh (Phật giáo Hoà Hảo, Cao đài…) song hành cùng các tôn giáo du nhập từ bên ngoài (Công giáo, Phật giáo, Tin lành…). Các tôn giáo luôn luôn giữ mối đoàn kết và tôn trọng niềm tin tôn giáo lẫn nhau, đồng hành cùng dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Theo thống kê chưa đầy đủ, Việt Nam có khoảng 95% dân số có đời sống tín ngưỡng và tôn giáo (trong hàng nghìn tín ngưỡng thì tín ngưỡng phổ biến là thờ cúng ông bà tổ tiên và tín ngưỡng thờ Mẫu). Tính đến nay, cả nước có khoảng 45.000 cơ sở tín ngưỡng, trong đó có hơn 2.900 di tích gắn với cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, một số di tích được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Hằng năm, Việt Nam có gần 13.000 lễ hội, gồm 5 loại: lễ hội dân gian, lễ hội lịch sử cách mạng, lễ hội tôn giáo, lễ hội du nhập từ nước ngoài, lễ hội văn hóa - thể thao và ngành nghề.

Đến nay, Việt Nam có khoảng hơn 26,5 triệu tín đồ (chiếm 27% dân số), 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được Nhà nước công nhận hoặc cấp chứng nhận đăng ký hoạt động. Cả nước hiện có hơn 57,4 ngàn chức sắc, trên 147 ngàn chức việc, hơn 29,6 ngàn cơ sở thờ tự. Số lượng tín đồ theo các tôn giáo hiện nay: Phật giáo 15,1 triệu; Công giáo 7,1 triệu; Cao đài 1,1 triệu; Tin lành 1 triệu; Hồi giáo 80.000; Phật giáo Hòa hảo 1,3 triệu, còn lại là các tôn giáo khác (Tịnh độ Cư sĩ Phật hội, Tứ ân Hiếu nghĩa, Bà La môn, Bửu Sơn Kỳ Hương, Minh sư đạo, Minh lý đạo…).

Thực tế đã chứng minh, ngay sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, dù còn bộn bề công việc, ngày 3/9/1945, tại phiên họp của Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm đến nhu cầu tự do tín ngưỡng, tôn giáo của một bộ phận đồng bào theo đạo. Người nói: “Tôi đề nghị Chính phủ tuyên bố tín ngưỡng tự do và lương - giáo đoàn kết”.

Ngày 14/6/1955, Người đã ký sắc lệnh 234/SL xác định “Việc tự do tín ngưỡng, tự do thờ cúng là quyền lợi của nhân dân. Chính phủ luôn tôn trọng và giúp đỡ nhân dân thực hiện. Chính quyền không can thiệp vào nội bộ các tôn giáo. Các tôn giáo phải tuân theo pháp luật của Nhà nước như mọi tổ chức khác của nhân dân. Việc bảo vệ tự do tín ngưỡng bắt buộc phải trừng trị những kẻ đội lốt tôn giáo gây rối loạn”. Người từng kêu gọi các tôn giáo hãy xóa bỏ hiềm khích, kỳ thị đoàn kết cùng toàn dân lo cho nền độc lập của nước nhà và lịch sử đã chứng minh, dù trong điều kiện khó khăn của đất nước nhưng chức sắc các tôn giáo, đồng bào có đạo giáo khẳng định rõ sự gắn bó đồng hành với dân tộc.

Ngày nay, ở khắp mọi miền của đất nước, đặc biệt là tại các thành phố, các trung tâm tôn giáo lớn như Hà Nội, Huế, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình, Tây Ninh, Cần Thơ…, các sinh hoạt tôn giáo diễn ra khá sôi nổi, đa dạng và phong phú. Hoạt động của các thiết chế tôn giáo đã có những đóng góp nhất định trong việc tập hợp và vận động quần chúng theo đạo - một lực lượng quan trọng trong khối đại đoàn kết dân tộc - tham gia vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Các ngày lễ trọng, các lễ nghi, lễ hội tôn giáo được tổ chức ngày càng trang nghiêm, quy mô hơn trước và thu hút ngày càng đông đảo tín đồ tham dự. Nhiều sinh hoạt tôn giáo đã trở thành sinh hoạt văn hoá cộng đồng được đông đảo tầng lớp nhân dân tham gia với tinh thần phấn khởi, yên tâm và tin tưởng. Các lễ hội như lễ Phật đản của Phật giáo, lễ Noel của Công giáo và đạo Tin lành, lễ kỷ niệm ngày khai đạo của đạo Cao Đài, Phật giáo Hoà Hảo, tháng ăn chay Ramadan của Hồi giáo… được tổ chức trọng thể, trang nghiêm và đảm bảo an ninh trật tự. Lễ hội của nhiều tôn giáo đều trở thành lễ hội chung vui của toàn dân tộc như lễ Noel, lễ hội La Vang.

Đặc biệt, lễ Phật đản của Phật giáo đã chính thức được UNESCO công nhận là một trong những lễ hội tôn giáo lớn của thế giới. Một số lễ hội mang tính thế tục được dư luận quan tâm đánh giá cao, như: Lễ cầu siêu cho những người đã hy sinh trong cuộc kháng chiến do Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức năm 2005; Đại hội hành hương La Vang lần thứ 27 kết hợp “Năm Thánh thể” với quy mô lớn do Hội đồng Giám mục Việt Nam tổ chức; Lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Hội thánh do Tổng hội Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc) tổ chức năm 2005…

Bên cạnh những giá trị đạo đức, các tôn giáo còn có hệ thống những lễ hội rất phong phú. Trước đây, việc tổ chức và tham gia lễ hội là công việc nội bộ giáo hội và tín đồ trong đạo. Ngày nay, rất nhiều lễ hội tôn giáo không còn là chuyện riêng của từng tôn giáo mà nó có sức lan toả, ảnh hưởng lớn trong cộng đồng xã hội như Lễ Giáng sinh, Phục sinh của đạo Công giáo, đạo Tin lành; Lễ Phật đản, Vu lan của Phật giáo; Đại lễ Hội Yến Diêu Trì Cung của Hội thánh Cao đài Tây Ninh…

Lễ Giáng sinh chỉ là 1 trong số 8 ngàn lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo trong một năm ở Việt Nam. Thực tế không khí sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo trong các tầng lớp nhân dân những năm qua ngày càng sôi động và có chiều hướng gia tăng. Cứ nhìn vào các lễ hội tôn giáo, các buổi lễ trọng của các tôn giáo và tín ngưỡng dân gian cũng có thể nhận rõ, những sinh hoạt này không chỉ là sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng trong các cộng đồng của đồng bào có đạo mà còn đang trở thành ngày hội thu hút đông đảo người dân tham gia.

Ðiều đó cho thấy Ðảng và Nhà nước đã luôn tạo mọi điều kiện để nhân dân được tự do tham gia các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng. Việc đa dạng các hoạt động tôn giáo là minh chứng cho quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam đã và đang được bảo đảm. Không chỉ đối với đồng bào theo đạo Công giáo, quy mô và hoạt động tôn giáo của đồng bào theo các tôn giáo khác cũng ngày càng tăng và diễn ra sôi động, đời sống tâm linh của người dân luôn được chính quyền quan tâm.

Những thông tin, luận điệu sai lệch, xuyên tạc về tình hình tôn giáo ở Việt Nam mà các tổ chức thiếu thiện chí đưa ra tác động đến suy nghĩ, tình cảm của chức sắc tôn giáo và đồng bào có đạo, tạo sự hoài nghi về chính sách, pháp luật về tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta. Vậy tiêu chí, tiêu chuẩn của Ủy ban Tự do tôn giáo Quốc tế Mỹ là gì? Họ đại diện cho ai để phê phán, đánh giá về tự do tôn giáo của Việt Nam, khi mà các phê phán của họ chỉ là sự lạc lõng, không được chức sắc tôn giáo đồng tình?

Thực tiễn đời sống tôn giáo đã chứng minh khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo ở Việt Nam; khẳng định chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước ta là củng cố niềm tin của chức sắc tôn giáo, đồng bào có đạo với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Chiều 15/12, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng khẳng định, Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách cần theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo là dựa trên những đánh giá thiếu khách quan, cũng như thông tin không chính xác về tình hình tự do tôn giáo, tín ngưỡng tại Việt Nam. Chính sách nhất quán của Việt Nam là tôn trọng và bảo đảm quyền con người, cũng như quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, điều này đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013, hệ thống pháp luật của Việt Nam và được bảo đảm tôn trọng trên thực tế.

Phó phát ngôn Phạm Thu Hằng nhấn mạnh: “Những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam về bảo đảm quyền con người, bảo đảm tự do tín ngưỡng tôn giáo cho người dân đã được cộng đồng quốc tế thừa nhận rộng rãi. Việt Nam sẵn sàng trao đổi với Mỹ về các vấn đề hai bên cùng quan tâm trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở, tôn trọng lẫn nhau, đóng góp vào thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước”./.

CAND

Đăng nhận xét

 
Top