Những
ngày qua, kể từ khi những ca nhiễm Covid-19 đầu tiên ở Việt Nam, chúng ta đã
liên tục đưa công khai thông tin về tình hình dịch bệnh, về những chỉ đạo của
Chính phủ, sự nỗ lực của các cấp, các ngành… Tuy nhiên, bất chấp sự thật đó, một
bộ phận kẻ xấu ở trong và ngoài nước vẫn lu loa rằng, Việt Nam không phán ánh
đúng sự thật về dịch bệnh và các biện pháp của Chính phủ là “mị dân”. Vậy mục
đích của họ là gì?
Muôn
vàn thủ đoạn xuyên tạc, chống phá
Là
người có nhiều kinh nghiệm trong việc sàng lọc tin giả, Đại tá Phùng Kim Lân,
nguyên Phó Tổng Biên tập báo Quân đội nhân dân cho rằng, vấn đề phòng chống
dịch bệnh, đặc biệt là dịch Covid-19 là vấn đề hết sức nhạy cảm, có liên quan
trực tiếp đến sức khỏe của mọi người nên đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt
của quần chúng nhân dân trong thời gian qua.
Lợi dụng
điều này, những kẻ xấu, những phần tử cơ hội chính trị đã tìm cách tuyên
truyền, chống phá, gây bất ổn về trật tự xã hội, gây hoang mang dư luận, xuyên
tạc đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và nhà nước Việt Nam
đối với công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của người dân.
Đại
tá Phùng Kim Lân khẳng định, các quyết sách mà Đảng và Chính phủ đưa ra đều rất
nhân văn, hướng đến mục đích cao nhất là đảm bảo tính mạng con người và sức
khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, lợi dụng không gian mạng, các thế lực thù địch đã cố
tình bóp méo và cho rằng, đó là “mị dân”.
“Những
nội dung thông tin do các cơ quan chính thống cung cấp bị chúng xuyên tạc là
“không phản ánh đúng sự thật”. Từ đó chúng tìm cách thổi phồng tình hình dịch
bệnh, thổi phồng những thiếu sót khuyết điểm để bóp méo đường lối, chủ trương,
chính sách của Đảng và nhà nước”, Đại tá Phùng Kim Lân giải thích thêm.
Nghiêm
trọng hơn, các thế lực thù địch lợi dụng việc phòng chống dịch bệnh Covid-19 để
chia rẽ chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam với các
nước, đặc biệt là các nước láng giềng trong khu vực và trên thế giới. Từ câu
chuyện “đóng cửa biên giới hay không đóng cửa biên giới”, đến việc các doanh
nghiệp nước ngoài làm ăn ở Việt Nam như thế nào trong điều kiện dịch bệnh phức
tạp đều bị chúng lợi dụng xuyên tạc, bóp méo để chống phá.
Theo
Đại tá Phùng Kim Lân, hệ lụy từ các hành vi xuyên tạc, bịa đặt và thông tin sai
sự thật của các thế lực thù địch là hết sức nghiêm trọng đối với xã hội. Những
thông tin như thế này đã gây ra những bất ổn về an ninh, trật tự xã hội thể
hiện rất rõ trong thời gian qua khiến người dân hoang mang, đổ xô đi vào cửa
hàng, siêu thị tích trữ hàng hóa, lương thực thực phẩm để “phòng chống dịch bệnh
lâu dài” dẫn đến hệ lụy về việc thổi giá, tăng giá, đầu cơ hàng hóa.
Hơn
thế nữa, các thế lực thù địch, tổ chức phản động, lưu vong ở trong nước và nước
ngoài còn cố tình lợi dụng thông tin giả, thông tin xuyên tạc và bịa đặt nhằm
xâm phạm bí mật đời tư, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lòng tự trọng của con
người để lại những hệ lụy nghiêm trọng liên quan đến những cá nhân chịu tác
động của những thông tin này.
Tăng
cường cung cấp thông tin chính thống với sự chính xác cao
Để
phòng chống nạn tin tức giả mạo, xấu độc trong đợt dịch Covid-19 này, Đại tá
Phùng Kim Lân cho rằng: “Công tác tuyên truyền hiện nay rất quan trọng, làm sao
cho người dân hiểu đúng, có kiến thức về dịch bệnh và có thái độ ứng xử phù hợp
để không tin vào những luận điệu sai trái, những thông tin xuyên tạc, bịa đặt,
vững vàng, không hoang mang xao động trước những thông tin bịa đặt.
Bên
cạnh sự tích cực vào cuộc của các cơ quan truyền thông thì chính mỗi người dân
cũng phải đóng vai trò tuyên truyền, định hướng cho những người thân của mình.
Người dân có hiểu biết, có kiến thức, khi tham gia vào không gian mạng sẽ luôn
là một “người tiêu dùng thông thái” biết lựa chọn “những sản phẩm tốt nhất” cho
mình”.
Cùng
chung quan điểm này, nhà báo Đỗ Đức Hoàng, Phó Trưởng ban Thời sự, Đài Truyền hình
Việt Nam chia sẻ, trong thời gian qua, tin tức giả, xấu độc, liên quan đến dịch
Covid-19 xuất hiện liên tục với tần suất dày đặc. Muốn chống lại tin tức giả,
xấu độc, các nhà báo cũng phải liên tục sàng lọc, kiểm chứng thông tin từ nhiều
nguồn khác nhau đồng thời cung cấp thông tin chính thống có độ chính xác, tin
cậy cao để phản bác lại những thông tin xấu độc, sai sự thật.
Nhà
báo Đỗ Đức Hoàng khuyến cáo, trước “ma trận” thông tin giả, thông tin xấu độc,
độc giả cần tỉnh táo và “chấp nhận lùi lại một chút để có được cái nhìn khách
quan hơn về nguồn cung cấp thông tin”. Độc giả cũng cần tìm đến những nguồn
thông tin chính thống từ các cơ quan truyền thông có uy tín, đưa tin thận
trọng, khách quan “không gây hoang mang dư luận nhưng cũng không khiến người
tiếp cận thông tin chủ quan về dịch bệnh”.
Trước
những hoài nghi về việc liệu các cơ quan chính thống có tìm cách bưng bít thông
tin hay giấu dịch hay không, nhà báo Đỗ Đức Hoàng cho rằng: “Khi đặt câu hỏi
nghi vấn, hãy đặt câu hỏi ngược lại là bưng bít thông tin thì có lợi ích gì, và
vì mục đích gì, nếu không trả lời được câu hỏi đó, thì việc bưng bít là không
cần thiết.
Trên
thực tế, cộng đồng quốc tế, trong đó có Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đều đánh
giá cao sự công khai minh bạch thông tin của Việt Nam. Thậm chí, ngay khi có
bất kỳ ca nhiễm bệnh mới nào, chúng ta cũng đều công khai chi tiết thông tin.
Tôi cho rằng, tất cả những gì chúng ta đang làm đã là câu trả lời thuyết phục.
Chúng ta không cần giải thích với những người luôn có định kiến rằng, những
thông tin đến từ các cơ quan truyền thông chính thống là giả mạo”./.
Nguồn NLD
Đăng nhận xét