Những ngày qua, câu chuyện về một bộ phận thanh thiếu niên "tung hô" và bày tỏ “ngưỡng mộ” đối với một đối tượng từng có tiền án, tiền sự, đánh bạc, ghi đề, sử dụng ma túy và có những lời nói, hành vi phản giáo dục trên mạng xã hội (MXH), khiến nhiều người không khỏi giật mình về sự lệch chuẩn văn hóa của một bộ phận giới trẻ hiện nay rất đáng báo động.
Nếu không ngăn chặn những biểu hiện lệch lạc này sẽ khiến nhiều chủ nhân tương lai của đất nước mất phương hướng, động cơ phấn đấu tích cực, xa rời những chuẩn mực văn hóa, từ đó “phai nhạt lý tưởng cách mạng, dao động, giảm sút niềm tin vào mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”-một biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” không thể xem thường.
Những trào lưu nguy hại của một bộ phận giới trẻ trên mạng xã hội
Việc cơ quan chức năng bắt giữ đối tượng Ngô Bá Khá (còn gọi là Khá “Bảnh”) để điều tra về hành vi tổ chức đánh bạc là một động thái kịp thời, cần thiết, được dư luận đồng tình, ủng hộ. Bởi đối tượng này không chỉ có nhiều “thành tích bất hảo” trên MXH, mà còn có những hành vi gây mất trật tự an toàn xã hội.
Thời gian gần đây, trên MXH xuất hiện tràn lan những thông tin, lời nói, hình ảnh, video clip tiêu cực liên quan đến việc cổ xúy cho các hoạt động bạo lực, tội phạm, xã hội đen, giang hồ, trong đó nổi cộm là “Bảng xếp hạng giang hồ Việt Nam”(!). “Đồng hành” với các hoạt động phi giáo dục, phản văn hóa này là những sản phẩm “rác rưởi” mà có người gọi là dòng “nhạc tù”, “phim xã hội đen”, “tiểu phẩm giang hồ” nhằm bao biện cho lối sống bệnh hoạn, lệch lạc của một số đối tượng từng có những năm tháng lang thang, trộm cắp, vi phạm pháp luật, ra tù vào tội. Điều đáng nói là những thông tin, hình ảnh này không những không bị ngăn chặn, tẩy chay, mà còn thu hút được một lượng bình luận, chia sẻ không hề nhỏ của một bộ phận giới trẻ. Ví như video clip quay cảnh đối tượng Khá “Bảnh” mãn hạn tù thu hút hàng triệu lượt xem và "bộ phim" ngắn “Tình anh em” của đối tượng này phát trên youtube cũng thu hút hàng chục triệu lượt xem.
Tình trạng một bộ phận giới trẻ có biểu hiện lệch lạc về thần tượng không phải bây giờ mới xuất hiện. Dư luận từng xôn xao về hiện tượng MXH cổ xúy cho cái gọi là “Hội những người hâm mộ Lê Văn Luyện”, “Hội những người phát cuồng vì Lê Văn Luyện” (năm 2011), dù trước đó đối tượng này đã gây ra vụ án thảm khốc đối với một gia đình khiến 3 người chết và một người bị thương. Hay sau vụ việc thảm sát man rợ ở tỉnh Bình Phước năm 2015, trên MXH xuất hiện clip mô phỏng vụ thảm sát này của Nguyễn Hải Dương và đồng phạm đã thu hút hàng vạn lượt xem. Cũng cách đây hai năm, phong trào tự phát “Việt Nam nói là làm” của một số người trẻ thách thức nhau lên mạng làm những trò quái đản, kỳ quặc như châm lửa đốt trường, nhảy xuống sông tự vẫn… từng “lây lan” như một “đại dịch” trên MXH.
Điều rất đáng suy ngẫm là thời gian gần đây xảy ra khá nhiều vụ việc bạo lực học đường khiến dư luận xã hội lo ngại. Trường học là nơi truyền bá tri thức, nuôi dưỡng tâm hồn, xây dựng nhân cách học sinh, sinh viên và được coi là môi trường giáo dục an toàn, không gian sinh hoạt, học tập, rèn luyện khá lý tưởng, nhưng một bộ phận học sinh cũng đang bị tác động không nhỏ bởi những hệ lụy tiêu cực từ MXH. Theo thống kê của cơ quan chức năng, từ năm 2011 đến 2018, cả nước có hơn 9.900 vụ việc vi phạm pháp luật, bạo lực học đường xảy ra trong nhà trường. Trong đó có nhiều vụ học sinh trung học “đánh hội đồng” bạn cùng lớp, cùng trường rồi quay video clip tung lên MXH. Vụ tái diễn bạo lực vừa xảy ra ở một trường THCS của tỉnh Hưng Yên không chỉ là tiếng chuông báo động về văn hóa học đường đang bị xâm hại mà còn trở thành nỗi lo của tất cả những ai quan tâm đến thế hệ tương lai của nước nhà.
Đừng tiếp tay cho giới trẻ “sống” thiếu lành mạnh trên không gian ảo
MXH là người bạn đồng hành của đa số người trẻ hiện nay. Theo một điều tra xã hội năm 2017, có hơn 70% người trẻ (độ tuổi 15-34) trong tổng số những người sử dụng MXH ở Việt Nam. Bên cạnh mục đích tìm kiếm, cập nhật thông tin, giao lưu với bạn bè, có hơn 50% người trẻ dùng MXH để tận hưởng những thú vui cuộc sống và giải trí. Người trẻ cũng là đối tượng “ghiền” MXH nhiều nhất, trong đó có 23% thanh thiếu niên sử dụng mạng với thời gian hơn 5 tiếng, 26% từ 3 đến 5 tiếng, 36% từ 1 đến 3 tiếng/ngày...
Tại sao trào lưu “thần tượng thành phần bất hảo” của một bộ phận giới trẻ lại trở thành một trong những “điểm nóng” trên không gian ảo thời gian qua? Theo các chuyên gia tâm lý, nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do một bộ phận thanh thiếu niên ở lứa tuổi bồng bột, tâm sinh lý chưa hoàn thiện, lại tò mò, ưa khám phá những điều “bí ẩn” liên quan đến “thế giới giang hồ, kiếm hiệp” trên MXH. Nguyên nhân khác là do sự tiếp tay của một số công ty truyền thông chạy theo lợi nhuận đơn thuần. Vì món lời quảng cáo sản phẩm mà có công ty truyền thông đã chủ động dàn dựng kịch bản, tổ chức đạo diễn, quay phim để cho các đối tượng giang hồ “làm mưa, làm gió” trên MXH. Nhờ có sự “chống lưng” này mà những thành phần bất hảo như Khá “Bảnh” mới có cơ hội tạo ra những “sản phẩm” như vậy để tung lên MXH “câu mồi, thả thính” những chàng trai, cô gái đang ở độ tuổi thừa nông nổi mà thiếu chín chắn, tỉnh táo nên để cho những sản phẩm văn hóa độc hại tự tiêm nhiễm vào tâm hồn mình!
Nhưng nguyên nhân sâu xa có một phần trách nhiệm thuộc về gia đình, nhà trường và các tổ chức đoàn thể quần chúng chưa thật sự quan tâm, coi trọng đúng mức đến việc giáo dục, dìu dắt, chỉ bảo sâu sát đối với thanh thiếu niên. Rất nên thấm thía rằng, nếu các bậc sinh thành mải mê làm ăn đến mức quên cả bổn phận giáo dục con cái; các nhà giáo chỉ chú trọng “nhồi nhét” kiến thức mà không quan tâm đến giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh; nếu các tổ chức đoàn, đội, hội chỉ hô hào, kêu gọi thanh thiếu niên bằng những câu khẩu hiệu “có cánh” mà thiếu chăm lo giáo dục, bồi đắp nhân cách cho các em bằng những hoạt động thực tiễn cụ thể, sinh động, phong phú, thì vô hình trung đã tạo ra “khoảng trống” về đời sống văn hóa, tinh thần cho các em. Khi “khoảng trống” văn hóa tinh thần không được bù đắp đầy đủ, thanh thiếu niên rất dễ bị sa đà, “mắc bẫy” vào những trò vô bổ, thậm chí bị lôi cuốn vào trào lưu dị hợm, kỳ quặc trên MXH. Lời cảnh báo này không bao giờ thừa, vì thực trạng “sống ảo” đã và đang làm “teo tóp” cả về tâm lý, tinh thần của một bộ phận không nhỏ giới trẻ.
Bồi đắp lý tưởng, giáo dục đạo đức cách mạng cho thế hệ trẻ-trách nhiệm không của riêng ai
Không ai phủ nhận những ưu thế, tiện ích nhiều mặt mà MXH đã mang lại cho con người và giới trẻ. Điều đáng quan tâm hiện nay là làm thế nào để khai thác tối ưu những mặt tích cực từ MXH, đồng thời có thể phòng ngừa, giảm thiểu đến mức thấp nhất những ảnh hưởng tiêu cực từ không gian ảo xuyên biên giới này? Để giải đáp thấu đáo vấn đề đó, trước hết đòi hỏi mỗi người trẻ phải hết sức tỉnh táo, không bị lôi cuốn, a dua bởi những trào lưu thiếu văn hóa xuất hiện trên mạng, kiên quyết không tiếp tay, cổ vũ cho những động thái câu “like” giật gân, những lời chia sẻ, bình luận thiếu văn hóa. Nhưng giới trẻ có đặc điểm chung là tâm lý chưa ổn định, thiếu kiềm chế, dễ bị “dẫn dắt, chi phối” bởi “tâm lý đám đông” trên MXH. Do vậy, các bậc phụ huynh, các thầy cô giáo, các cán bộ đội thiếu niên, đoàn thanh niên, hội sinh viên... cần thường xuyên gần gũi, động viên, hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi cho các em được tham gia những hoạt động văn hóa tinh thần hấp dẫn, các sân chơi lành mạnh.
Trên thực tế, các tổ chức đoàn thể quần chúng thời gian qua cũng đã kiến tạo, tổ chức khá nhiều hoạt động vui chơi, giải trí nhằm thu hút đoàn viên, thanh niên, thiếu niên hưởng ứng, tham gia. Tuy vậy, một phần do kinh phí hạn hẹp, phần vì thiếu không gian tổ chức và đôi khi cách thức hoạt động vẫn nặng về “ra quân, phong trào”, hào nhoáng về bề nổi mà thiếu chiều sâu, do vậy nhiều hoạt động chưa hấp dẫn giới trẻ. Trong khi đó, một số công ty truyền thông, một số người am hiểu công nghệ thông tin câu kết với một số đối tượng “có máu mặt” đã “đi tắt, đón đầu” để cùng nhau tạo ra những trò chơi, hoạt động, trào lưu mới lạ dễ kích thích sự tò mò của giới trẻ, trong đó có những trào lưu lệch lạc, quái dị.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ khẳng định, thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà, “Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên”, trước lúc đi xa Người còn căn dặn trong Di chúc: “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.
Sau nửa thế kỷ thực hiện Di chúc của Bác Hồ, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác bồi dưỡng, giáo dục lý tưởng, đạo đức cách mạng cho thanh niên. Tuy nhiên, trước yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, nhất là trước sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, trong đó có việc lợi dụng MXH để thực hiện âm mưu làm “đứt gãy” và xung đột giữa các thế hệ, tiêm nhiễm vào thế hệ trẻ văn hóa độc hại, cổ xúy lối sống lai căng, tư tưởng lệch lạc nhằm “lái” giới trẻ “quay lưng” với truyền thống, lãng quên lịch sử, xa rời mục tiêu lý tưởng tốt đẹp, chúng ta càng phải quan tâm chăm lo giáo dục, rèn luyện thế hệ thanh niên có đủ đức, tài, niềm tin, khát vọng để xứng đáng với vị thế, trọng trách cao cả của mình đối với dân tộc và Tổ quốc. Trách nhiệm này không riêng của tổ chức đoàn thanh niên, đội thiếu niên, hội sinh viên mà là trách nhiệm chung của cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận, các ngành, các cấp và toàn xã hội.
Được ví như sinh khí của quốc gia, tuổi trẻ luôn là lực lượng xung kích đi đầu trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, là đội dự bị hùng hậu và tin cậy của Đảng. Bởi vậy, bất cứ một sự lơ là, chểnh mảng nào đối với việc giáo dục, rèn luyện thế hệ trẻ cũng như thiếu quan tâm xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh và không thường xuyên chăm lo duy trì, tổ chức các mô hình, hoạt động, sân chơi bổ ích cho thế hệ trẻ, đều có thể dẫn đến nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” từ trong đội ngũ kế thừa, tiếp bước sự nghiệp cách mạng của Đảng và thế hệ cha anh.
T.D
Đăng nhận xét